Năm 2024, lần đầu tiên sau nhiều năm theo dõi số liệu thương mại điện tử, chúng tôi chứng kiến thay đổi lớn trong cách người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Sự thay đổi này cũng đồng nghĩa với việc cuộc chơi TMĐT không còn là “ai chạy quảng cáo giỏi hơn, ai giảm giá sâu hơn” mà là ai xây dựng được nền tảng vững chắc để duy trì tăng trưởng dài hạn. “Tăng trưởng bền vững” là cụm từ được nhắc đến nhiều những năm gần đây nhưng tăng trưởng bền vững là gì và tại sao nó lại quan trọng?
1. Thương mại điện tử Việt Nam: Đã “chín muồi” cho tăng trưởng bền vững
Theo báo cáo mới nhất của YouNet ECI, doanh thu từ TMĐT năm 2024 đạt 349,75 nghìn tỷ đồng, tăng 40,4% so với năm 2023 – vượt xa mọi dự đoán trước đó.
Tăng trưởng nhanh là một chuyện nhưng năm 2024 xuất hiện ba bước ngoặt quan trọng trong hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng.
- Thứ nhất, năm 2024, nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), dẫn đầu tăng trưởng trong các ngành hàng trên TMĐT với mức tăng trưởng doanh thu đạt 62%. Điều này cho thấy người tiêu dùng dần chuyển dịch nhu cầu mua sắm ở các cửa hàng truyền thống sang gian hàng trực tuyến, dẫn đến tần suất mua sắm thường xuyên hơn.
- Thứ hai, lần đầu tiên sau nhiều năm, doanh thu TMĐT không còn dồn vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm. Q1/2024, doanh thu TMĐT chỉ thấp hơn Q4 vỏn vẹn 23,8%. Điểm này một lần nữa cho thấy sức mua online của người tiêu dùng đang bền vững hơn bao giờ hết!
- Khảo sát từ báo cáo Vietnam E-commerce Intelligence 2025 với 700 người tiêu dùng trực tuyến cho thấy chính sách hoàn trả & bảo hành, thanh toán tiện lợi mới là hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định mua hàng của Millennials. Trong khi đó, giá cả và mã khuyến mãi chỉ xếp thứ 5 và thứ 10.
Người tiêu dùng mua sắm online thường xuyên hơn, chi tiêu nhiều hơn, ít quan tâm khuyến mãi hơn: tất cả đều chỉ ra TMĐT không còn là một kênh bán hàng ngắn hạn mà trở thành một kênh phân phối ngày càng chiếm tỷ trọng lớn.
Và khi TMĐT trở thành một kênh quan trọng, bài toán bây giờ cho các nhãn hàng là làm sao để duy trì tăng trưởng bất chấp các biến động của thị trường.
2. Ba thách thức mới cho tăng trưởng trên TMĐT
Theo YouNet ECI, Q4/2024, số lượng nhà bán có doanh thu trên các sàn TMĐT giảm đến 96,8 nghìn so với cùng kỳ. Rõ ràng, cơ hội trên TMĐT là cực lớn nhưng không chia đều cho tất cả. Tồn tại 3 thách thức đã và đang ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng dài hạn trên TMĐT.
- Cạnh tranh khốc liệt và rào cản gia nhập thấp. Bất kỳ thương hiệu nào, lâu đời hay mới ra mắt đều có thể tham gia “cuộc chơi”. Không những thế, một gian hàng TMĐT có thể đăng bán, tháo bỏ, thay đổi mô tả, thay đổi giá bán của các sản phẩm nhanh hơn rất nhiều so với các cửa hàng offline.
- Tốc độ thay đổi chóng mặt của thị trường. Tiêu biểu như sự xuất hiện của TikTok Shop, hình thức Tiếp thị Liên kết (Affiliate Marketing), các thay đổi chính sách của sàn,… đòi hỏi các thương hiệu phải liên tục thích nghi để không bị thị trường bỏ lại phía sau.
- Yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng trên TMĐT. Họ có quyền lựa chọn giữa nhiều nền tảng, nhiều thương hiệu, và thường so sánh kỹ lưỡng trước khi mua hàng. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ những thương hiệu tạo được trải nghiệm mua sắm hoàn hảo mới có thể giữ chân khách hàng.
Với 3 thách thức này, ngay cả các nhãn hàng đang đứng đầu doanh thu trên TMĐT cũng hiếm khi nắm vững vị trí của mình qua từng quý. Chúng tôi thường xuyên chứng kiến doanh thu các nhãn tăng giảm vài trăm phần trăm trong 6 tháng.
3. “Đa dạng hóa, giảm phụ thuộc”: chìa khóa cho tăng trưởng bền vững trên TMĐT
Tăng trưởng bền vững trên TMĐT không chỉ là việc đạt được doanh thu cao trong ngắn hạn, mà là khả năng duy trì và phát triển liên tục, bất chấp biến động của thị trường.
Tại YouNet ECI, chúng tôi định hướng cho các khách hàng doanh nghiệp áp dụng chiến lược “đa dạng hóa, giảm phụ thuộc”, xem đây là nguyên tắc cốt lõi trong vận hành TMĐT. Chiến lược này bao gồm:
- Đa dạng hóa nền tảng: Không phụ thuộc vào một sàn duy nhất mà mở rộng sang Shopee, Lazada, TikTok Shop với mỗi sàn sử dụng một chiến thuật linh động.
- Đa dạng hóa kênh phân phối: Vừa sử dụng vừa kiểm soát cửa hàng chính hãng, chuỗi bán lẻ, online sellers, KOC, v.v… để tối ưu khả năng tiếp cận khách hàng.
- Đa dạng hóa danh mục sản phẩm & phân khúc giá: Không chỉ tập trung vào một dòng sản phẩm hay phân khúc giá duy nhất, giúp mở rộng cơ hội doanh thu và giảm rủi ro.
Tại sao chiến lược này quan trọng? “Đa dạng hóa, giảm phụ thuộc” giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ các nguồn tăng trưởng khác nhau, không bị ràng buộc vào một nguồn duy nhất, từ đó giảm thiểu rủi ro từ những thay đổi thuật toán, chính sách hoặc biến động thị trường.
Hiện tại, YouNet ECI đang ứng dụng nền tảng dữ liệu EcomHeat để theo dõi hiệu suất tăng trưởng và vận hành bền vững của từng thương hiệu trên Shopee và Lazada. Dựa trên dữ liệu này, chúng tôi giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược phù hợp để tối ưu hóa tăng trưởng dài hạn.
Trong bối cảnh TMĐT không ngừng thay đổi, khả năng thích ứng và mở rộng cân bằng chính là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp duy trì vị thế cạnh tranh và phát triển lâu dài.
–
VỀ YOUNET ECI: Giải pháp phục vụ các thương hiệu tại Việt Nam về quản trị thị phần, theo dõi đối thủ, đại lý, đối tác và cải thiện các hoạt động vận hành trên kênh thương mại điện tử.
VỀ ECOMHEAT: Nền tảng phân tích dữ liệu thị trường E-commerce đầu tiên tại Việt Nam dành cho các thương hiệu với thông tin chuyên sâu nhất.